***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
2:30 - 5:00 chiều thứ Bảy, 03/09/2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê Thứ Bảy
////////////////////////////
LỜI TỰA
Các bạn thân mến,
Ngày 20 tháng 8 vừa qua, CLB Điện ảnh Kiến trúc đã giới thiệu tới các bạn những kiến trúc sư "Utopia" ở thập niên 60, một thập niên có thể nói là sự chuyển giao giữa hai thời kỳ. Sang thập niên 70 đã có một sự thay đổi sâu sắc về nền tảng tư duy kiến trúc. Một thế hệ kiến trúc sư mới bắt đầu định hình rõ nét, mang một tinh thần chung và đã đưa ra những cách tiếp cận mới về hình thái kiến trúc. Họ đã có đủ khoảng lùi để nhìn nhận lại "Kiến trúc hiện đại", và cũng lấy nó làm cơ sở lý luận để tìm ra con đường đi riêng của mình. Khác với trào lưu Hiện đại muốn đi tìm "Phong cách quốc tế" (Style international), từ thập niên 70 trở đi, kiến trúc mang sự đa dạng trong phong cách thể hiện.
Có thể kể ra đây một số các kiến trúc sư tiêu biểu như Aldo Rossi và Renzo Piano ở Ý, Alvaro Siza ở Bồ Đào Nha, Herman Hertzberger ở Hà Lan, Mario Botta ở Thuỵ Sĩ, Frank Gehry ở Mỹ, Arata Isozaki và Tadao Ando ở Nhật. Tất nhiên trong số đó không thể không nói tới kiến trúc sư, mà ngay từ những công trình đầu tiên đã khẳng định được phong cách riêng của mình, đó là Norman Foster ở nước Anh. Đây là kiến trúc sư mà CLB sẽ giới thiệu tới các bạn vào ngày 3 tháng 9 tới.
Phong cách kiến trúc của Norman Foster đại diện cho trào lưu "High-tech". Ở thập niên 70 khi nền công nghệ của châu Âu và Mỹ phát triển lên đến đỉnh cao, và nó được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống con người, không có gì là bất ngờ khi Norman Foster sử dụng nền công nghệ đó cho kiến trúc. Nhưng thực ra bản chất con người ông đã yêu thích công nghệ ngay từ lúc còn nhỏ. Hồi bé, ông đã say sưa với những chi tiết máy vẽ bằng 3D trên tạp chí Eagle và rất thích những thứ chuyển động có gắn động cơ. Năm 16 tuổi, ông thôi học và gia nhập Không quân Hoàng gia Anh. Đây cũng là cơ hội để ông thoả mãn lòng đam mê công nghệ của mình với những chiếc máy bay. Ông đã từng lái và thử nghiệm hàng chục loại máy bay khác nhau, kể cả loại không có động cơ dùng năng lượng mặt trời. Trước khi học kiến trúc, ông đã đọc cuốn sách "Hướng về một nền kiến trúc" (Toward an Architecture) của Le Corbusier và rất thích thú khi thấy Le Corbusier nói tới sự chuyển giao từ máy móc sang kiến trúc. Đây là bài học đầu tiên về kiến trúc của Norman Foster.
Norman Foster sinh ngày 1 tháng 6 năm 1935 tại thành phố Manchester. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, ông học kiến trúc tại thành phố này. Nhưng sau đó ông nhận được học bổng học thạc sĩ tại đại học Yale ở Mỹ. Ở đây ông đã quen với một kiến trúc sư mà sau này cũng rất nổi tiếng, Richard Roger. Năm 1963 họ thành lập văn phòng "Team 4" cùng với hai người vợ của mình. Nhưng đến năm 1967 Norman Foster cùng vợ là Wendy Cheesman thành lập văn phòng riêng lấy tên "Foster và cộng sự". Năm 1968 ông phụ trợ kiến trúc sư nổi tiếng Buckminster Fuller cho một số công trình mang tính nghiên cứu. Đây cũng là người có nhiều ảnh hưởng tới Foster sau này.
Hình thái kiến trúc của Foster đi tìm sự "đơn giản", nhưng đồng thời rất tỉ mỉ và tinh tế. Để đạt được sự "đơn giản" đó, nó đòi hỏi người kiến trúc sư phải làm chủ được sự "phức tạp" của công nghệ. Ông hoàn toàn nhận thức được công nghệ là "con dao hai lưỡi", nếu không biết sử dụng nó sẽ có thể gây ra "thảm hoạ" cho con người. Nhưng điều cần nói ở đây là Foster không sử dụng công nghệ để "thoả mãn" hình thái kiến trúc của mình. Công trình của ông đều được nghiên cứu dưới góc độ sinh thái để sử dụng năng lượng ít nhất. Hơn nữa ông luôn sáng tạo ra các giải pháp không gian để làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Ví dụ như toà tháp Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, ông không dùng mặt bằng thông thường là có lõi thang ở giữa, mà thay vào đó là một khoảng trống. Nhờ vậy mà sự liên hệ giữa những con người làm việc trong đó hoàn toàn thay đổi.
Nhưng khi được phỏng vấn, Norman Foster luôn nói, đối với ông công trình kiến trúc không quan trọng bằng những không gian xung quanh nó. Nhận thức được các công trình của mình thường lớn, nên ông rất chú trọng tới việc tác động của chúng tới các vấn đề của đô thị.
Cuốn phim mà các bạn sẽ xem ngày 3 tháng 9 này có tựa đề "Công trình của ông nặng bao nhiêu, ông Foster?" (How much does your building weigh, Mr. Foster?). Hai đạo diễn Norberto López Amado và Carlos Carcas dùng câu hỏi của Buckminster Fuller cho Foster để làm tựa đề phim của mình. Câu hỏi này cũng là triết lý kiến trúc của Foster, khi ông luôn muốn tìm ra những giải pháp công nghệ để sử dụng kết cấu và vật liệu, thông gió và ánh sáng một cách hiệu quả nhất, từ đó dẫn đến hao tổn năng lượng ít nhất. Nhưng cuốn phim cũng kể về cuộc đời người kiến trúc sư xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng đã đạt được những giải thưởng danh giá nhất của Hoàng gia Anh, và Pritzker năm 1999. Về cuộc đời của một người muốn trở thành kiến trúc sư để trước tiên thiết kế lại căn buồng của mình, mà sau này đã thiết kế những sân bay lớn nhất thế giới; và những năm tháng rất khó khăn của ông khi cùng với vợ mở văn phòng không có việc, cho đến khi trở thành một trong những văn phòng lớn nhất thế giới với 1400 nhân viên. Có lẽ những điều đó mới làm chúng ta thực sự nể phục !
Cuốn phim đã dành nhiều giải thưởng quốc tế và đặc biệt dưới nền nhạc của Joan Valent.